Người thân mình ở Việt Nam hẳn sẽ rất thắc mắc vì sao nghe nói mình đi Marseille mà cứ toàn thấy check in ở Aix, tại sao toàn thấy núi chẳng thấy biển, sao Euro mà chả thấy check in sân vận động? Okie, thực tế là trong khi mọi người tưởng cuộc sống của mình xoay quanh bikini và Olympic Marseille, thì mình đang sống nội tâm ở một ngôi làng toàn các ông bà già giàu có mỗi sáng lững thững cắt cỏ. Mình đầu tiên cũng không hiểu tại sao trường mình có tên IAE Aix-Marseille đàng hoàng mà lại nằm trong 1 ngôi làng xa lắc lơ chả liên quan gì đến Marseille! Hóa ra nói đơn giản là thế này. Nếu nước Pháp là một hình lục lăng thì vùng hành chính Provence Alpes côtes d’Azur là một điểm của nó, lấy tỉnh Marseille là thủ phủ. Aix được xếp bậc thấp hơn, gọi là quân lỵ, nhưng mà độc lập với Marseille. Như kiểu Marseille là lớp trưởng, và mình thì ở nhà lớp phó vậy !
Nói dài dòng vậy để thấy Marseille đối với mình xa vời hơn người đời tưởng tượng, tuy nhiên vẫn gần gũi hơn nhiều so với các thành phố khác (chỉ sau Aix). Và mình chần chừ khi viết về Marseille chỉ vì có quá nhiều thứ để nói, thành ra không thể nhồi nhét trong một bài viết. Viết về Marseille cần thời gian trải nghiệm và cảm nhận lớn, để rồi mỗi bài viết trong sê ri về nó sẽ đơn giản chỉ là một lát cắt, mà khi ghép lại, một bức tranh sôi nổi sẽ hiện ra, về một thành phố đầy ắp tương phản.
Thực ra giống như bao người hàng xóm khác, Marseille và Aix vốn không thích nhau. Người này thì nói rằng người kia “sạch sẽ, màu mè, giả tạo”, người kia đốp lại người này “bừa bộn, phức tạp, đầy nguy hiểm”. Mình vốn ban đầu cũng không thích Marseille. Khi bạn đã quen với sư sạch sẽ, bình yên trên từng góc phố của Aix, thì bạn dễ bị “ngợp” với một phong cách trái ngược hoàn toàn mà Marseille đem lại. Điều đó thể hiện rõ nhất khi bạn đi trên chuyến xe nối Aix đến Marseille. Cảnh vật chuyển dần, từ những biệt thự phong cách trưởng giả đến những ngôi nhà ngói lở (có lẽ dột như ở Hà Nội), từ những con phố nhỏ xinh sạch sẽ vàng ươm trong nắng chiều đến những góc phố mà xe rác xếp san sát bên những mảng tưởng Graphitti, từ những người già tư sản dắt chó đi dao đến những thanh niên người Arabe, Châu Phi cởi trần nhảy xuống biển, đến cả khi bạn ngắm cảnh cũng phải chịu đựng cái mùi khai mù. Chỉ vì quá gắn bó với cái an toàn bình yên của Aix mà mình đã từng nói rằng mình không cần xung quanh lắm thứ vui chơi giải trí ồn ào…
…cho đến ngày mình chơi đêm ở Marseille.
Sau một lần “giao dich”, có một chị bạn Marseille nhiệt tình rủ mình đến nhà chơi rồi đêm đi “dảy đầm”. Nhà chị ý ở khu Panier, khu phố cổ trung tâm của Marseille xinh đẹp, nơi đầy rẫy những vụ giao dịch ma túy của mafia. Nhưng nếu như bạn không đụng đến họ, họ sẽ trả lại bạn một Marseille cuồng nhiệt say sưa trong màn đêm, nhất là mỗi mùa hè.
Mình làm quen với văn hóa nhảy của Marseille vào mùa hè vừa rồi. Những kiểu thinh hành thì cũng giống như nhiều nơi khác: Salsa và Bachata, đây là những kiểu nhảy được coi là trẻ nhất, rất là “sensuel” (gợi cảm) nhưng tinh tế nhé, nó thể hiện từ những cái lắc hông rất nhẹ nhưng đầy gợi cảm, rất khác với vẻ sexy bốc lửa khêu gợi của một số kiểu nhảy của Mexico hay Samba của brazil, nhưng đối với mình thì thu hút hơn nhiều. Mình đã từng dán chặt mắt vào một em sinh viên khoa sport nhảy ở bar. Quần đùi trắng áo phông đen giày trắng giản dị, không cầu kì, không cố gượng ép bằng những động tác tay điệu đà, mà mỗi bước nhảy, cực kì tự nhiên thôi, tỏa ra một sức hấp dẫn rất kì lạ, có thể vì em ý cũng quá xinh, nhưng có thể là thần thái trên khuôn mặt và cơ thể toát ra một vẻ tự tin và khỏe mạnh.
Rock n Roll là kiểu mình thích nhất và nhảy ở Aix nhiều hơn, vì đây là kiểu được coi là khá giừ, lấy nhạc cao bồi từ thập niên 70, 80. Quả thật đúng là kiểu nhảy này ông bà gia hay nhảy hơn giới trẻ thật đó, nhưng mà nhảy Rock n Roll mệt hơn rất nhiều, vì phải bật nhảy cao hơn, và cũng nhiều động tác dễ thương hơn. Nếu trang phục nhảy salsa và bachata là những bộ đồ bó sát gợi cảm, thì với Rock n Roll thường là váy xòe rất dễ thương mà mặc vào bạn cảm thấy mình như một cây kẹo được bọc đường vậy đó, con trai thì đội mũ cowboy thắt nơ bướm nghịch ngơm ở cổ. Mình thích nhất kiểu nhảy này vì có thể gu của mình là cái gì dễ thương năng động hơn là gợi cảm sexy, hơn nữa động tác rất sáng tạo và nhạc rất không khí nữa
Khác với Aix, không khí nhảy của Marseille có gì đó lung linh sôi đông hơn, người nhảy cũng trẻ và cuồng nhiệt hơn, khiến bạn hứng thú hơn. Mình thường nhảy ở Dock la Joliette, tòa nhà nổi tiếng của marseille năm xưa làm nơi lưu kho hàng hóa của cảng. Đến tối cả Dock thắp sáng lung linh để đón khách khắp nơi đến giao lưu nhảy trong nền nhạc Salsa, khi ngẩng lên bạn sẽ thấy cả bầu trời thăm thẳm phía trên, và ngọn gió cuốn tiếng nhạc salsa sôi động đắm say. Ngày xưa mình cứ thắc mắc không biết mình lớ ngớ thế có nhảy được với những người nhảy lâu năm không. Tuy nhiên sự thân thiên dìu dắt nhiệt tình của những dancer ở Marseille khiến mình rã đông nhanh chóng để tìm được chút mềm mại trong từng động tác, và đến giờ mình có thể tự tin đi nhảy một mình, tuy không đẹp, nhưng mà nhảy với niềm tin ở bản thân mình rằng nhảy là just for fun. Quả thật, khi bạn không gỡ bỏ được cái gông trong đầu là bạn đang nhảy vì niềm vui, chứ không phải để trả bài, thì khó lòng tìm được sự mềm mại gợi cảm mà bất cứ ai đi nhảy cũng đều ao ước.
Sau Dock của ngày cuối tuần, thì bar Afterwork cũng là nơi mình hay lui tới, chỗ này ‘tối ‘ hơn, thành phần nhảy cũng không được thuần đến chỉ để nhảy như ở Docks, nhưng mình cảm thấy mình nhảy được nhiều hơn mỗi tối, không khí cũng thoải mái, đúng với cái tên của nó, như dành cho những người đi làm về muốn giải tỏa căng thẳng, chứ không như ở Docks, lúc nào cũng như một buổi dạ hội mà bạn cần xúng xính váy áo thiệt đẹp mới đi.
Nhà tổ chức của party nhảy ở Dock mùa đông chuyển về Palais Major, bên cạnh biển, đẹp lim người khi trăng lên. Vượt qua cái rét cắt da cắt thịt như 30 Tết, bạn sẽ được đắm chìm trong không khí nhà hàng được trang hoàng theo phong cách lâu đài, trong mùi Mojito bạc hà the mát, mùi bánh mì bơ pho mát thịt nguội, tam giác vàng trong bữa ăn người Pháp và tiếng nhạc latin ve vuốt từng nét hoa văn.
Nói chung nhảy gì thì nhảy, quan trọng nhất là bạn phái luôn “chaud” (nóng), lúc nào nhiệt tình hứng khởi hẵng đi nhảy, vì bạn có nhiệm vụ phải truyền được cái nhiệt của bạn cho bạn nhảy: từ nụ cười, cơ thể thần thái. Hơn nữa, bạn sẽ gần như được mời nhảy liên tục tới 2 h sáng mới về lăn quay ngủ một mạch tới hôm sau.
Càng gần cuối năm, khi nghe tiếng nhạc giáng sinh dìu dặt, mình lại càng bâng khuâng nhớ về những tối viết khóa luận vôi vàng để đi nhảy về khuya, của mùa hè cháy bỏng ấy, của điệu Salsa gợi cảm và những cuộc hội hè miên man.