Như các bạn đã biết, nhà tôi có một quầy truyện tranh. Đây là quầy thuê truyện bé xinh của bà tôi đã hơn 10 năm nay rồi. Và cũng sẽ chỉ 10 năm thôi vì mới đây bà bất ngờ tuyên bố giải tán, chấm dứt niềm tự hào lớn lao của đứa cháu luôn vênh mặt mình là “con nhà truyện tranh”. 969845_10200656956292165_726306146_n Ngày xưa tôi ngầm tự hào vì nhà có truyện miễn phí, thế là không phải tốn tiền mua truyện như tụi bạn. Cái thời hoàng kim của truyện tranh, những năm tháng ấy, mỗi mùa hè trẻ con cứ vào hàng là dốc đến hai, ba chục để đổi lấy một túi lễ mễ cơ man là truyện. Về nhà thì đổ ra đất nằm dài trên mặt sàn mát lịm, thi nhau hít thở những quyển truyện đã qua tay bao người. Còn tuổi thơ của con nhà truyện tranh thì sao? Là những buổi sáng ngủ say trong lúc bà đạp xe đi lấy truyện. Thứ hai, ba, tư ra nhiều truyện tranh, thứ năm chưởng Kim Dung và ngôn tình, thứ 6 ít truyện, thứ bảy chủ nhật không có. Là lác mắt xem bà đục lỗ khâu truyện rồi vòi tự tay bọc lại bằng băng dính. Những quyển truyện bóng loáng xếp chồng lên nhau sẽ nằm im chờ khách đến ngấu nghiến, vừa đọc vừa cười giòn cả góc sân, chắc chắn thỏa mãn vì trút hết nỗi lòng vào những câu chuyện không đầu không cuối. Không có bà thì tôi trông hàng, không đến nỗi cầm chổi lông gà xua khách coi cọp như Nôbita, cứ thoải mái, chỉ cần đưa đủ tiền thuê là được. Thế đấy, không chỉ có một đâu mà rất nhiều mùa hè sau tôi đều trốn bài tập hè bằng cách  “vừa học vừa làm” như vậy. Con nhà truyện tranh sẽ không lo vòi mẹ tiền mua truyện nhưng lo bị tét đít vì ứ đọng bài tập hè. Con nhà truyện tranh cũng không lo đến đoạn cao trào bị hết tiền thuê nhưng sẽ cận thị sớm vì được đọc không hạn chế, ngay cả lúc vờ tắt đèn trốn ngủ trưa. Truyện tranh là môn nghệ thuật thứ chín, nếu là beginner như tôi của những năm 98 thì nên bắt đầu bằng Doreamon. Đây là món cơm rang đơn giản nhưng rang đi rang lại hoài không chán, có thể lót dạ bất cứ khi nào bạn không có những món cầu kì hơn. ‘Hiểu đời’ hơn một chút hãy tìm đến Songoku của Bảy viên ngọc rồng, anh em một nhà với Tiến Sĩ Slump, có chung nét quyến rũ sinh động và quái dị. Yêu vẻ đẹp chất xám và thích giải trí không trọn vẹn thì Conan chính là sự lựa chọn. Còn một kiểu truyện ‘ chơi mà học’ khác là loại truyện cung cấp hiểu biết ‘chuyên ngành’ như Vua Bánh Mì, Vua trò chơi. Hiểu đời hơn nữa, tầm lớp 9 bọn trẻ con bắt đầu sờ đến Hot Gimmick, xong đánh nhau “ truyện này bậy, đưa tao ”, bậy vẫn đọc! Nhờ có bà mà kể cả Hot Gimmick khi chúng bạn hỏi tôi đọc hết chưa, tôi cũng lơ đãng gật đầu như đã xa xôi lắm. Lên đến cấp ba thì tôi thay đổi, Không còn bài tập hè, tôi lại giở thói chăm học. Tôi ngồi cày toán, Tôi chán truyện tranh :)) … Bà đã rục rịch đánh động tôi cả tháng nay thích lấy bộ nào về thì đăng kí trước khi bà bán hết, dễ đến ngàn quyển. Thế mà chưa kịp ra tay thì đã nghe tin bà thanh lý. Trong đêm tối ngược gió đạp xe ra tôi lòng thầm mong vài bộ xòn sót lại. Thế nhưng quầy truyện hôm qua còn sôi nổi giờ tối om, cánh cửa xếp đóng kín. Nhưng đau nhất là như vừa có cơn bão nào chạy qua, quét không còn một quyển nào trên giá. Đau là phải vì truyện tranh không giống như những thể loại khác, có những truyện ra đời từ những năm 98 xong không tái bản nữa, có những bộ kinh điển thì không phải ai cũng có đủ mấy trăm tập, trừ bà. Dò dẫm xếp lại những bộ quá cũ vào tủ để sau này bán lẻ cho dân sưu tập, tôi nghe thấy tiếng gọi của một trong những vị khách cuối cùng. Cô này hôm trung thu chính tôi cho thuê, cũng ngơ ngác y hệt, rồi thở ra tiếc nuối: ‘Buồn nhỉ bà nhỉ ! ’. Bà cười: Buồn thì buồn thật, nhưng nói thật là bây giờ không ra nhiều truyện như ngày xưa, nên cũng vắng khách, với bà cũng đến tuổi nghỉ rồi. Buộc vào xe trọn bộ Nguyễn Nhật Ánh, chưa kể gần bốn chục quyển Ninja Loạn Thị bà làm quà cho hai đứa tôi, tôi nghiệm ra một điều rằng cho thuê truyện sẽ không bao giờ lỗ, bởi vì chỉ có những đứa trẻ tiếp tục sinh ra và lớn lên, còn Shinichi thì luôn trẻ và mãi thông minh, sẽ làm chúng tiếp tục chờ đợi, dù bao lần bực mình, những cuộc rượt bắt không bao giờ dứt… Tháng chín, mùa khai trường, mùa trung thu, bạn có nhớ chút gì về sân ga tuổi thơ ấy ? 1239700_10200657183457844_1402045083_n